Trẻ mắc viêm màng não tăng nhanh vào những tháng cuối năm

14/12/2022 / / 47 lượt xem

Vào những tháng cuối năm, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận điều trị nhiều trẻ mắc viêm màng não, trong đó có trẻ gặp biến chứng nặng, phải phẫu thuật lấy mủ tụ dưới màng cứng của não nhiều lần.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Đình Qui – phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết kể từ tháng 10 đến nay, số lượng trẻ nhập viện vì mắc viêm màng não tại khoa tăng nhanh so với những tháng trước.

Trong tháng 8 và 9, mỗi ngày trung bình khoa điều trị cho 10-12 bệnh nhi. Còn từ tháng 10 đến nay, số lượng này đã tăng đột biến, với 20-25 ca mỗi ngày. Trong số này có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, điều trị kháng sinh và phải phẫu thuật lấy mủ tụ dưới màng cứng não.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tấn Quy – trưởng khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho hay khoa đang điều trị 22 ca viêm màng não, trong đó có 2 ca bệnh nặng vừa phẫu thuật. So sánh những tháng trước, số ca trẻ mắc viêm màng não hiện nay có xu hướng tăng.

Đứa con hơn 5 tháng tuổi của anh Nguyễn Trung Hiếu (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) nhập viện điều trị bệnh viêm màng não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hơn một tháng qua, trong đó đã trải qua hai lần phẫu thuật để lấy mũ tụ dưới màng cứng não.

Anh Hiếu cho biết thêm, trước khi nhập viện, con của anh có biểu hiện sốt kéo dài 2 ngày. Gia đình đưa bé đi khám tại phòng khám và được thông báo là sốt siêu vi. Tuy nhiên, ngay trong đêm, bé sốt và co giật nên gia đình đưa qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu và sau đó được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

“Bác sĩ thông báo hiện mủ vẫn còn tụ dưới màng cứng não của con, phải truyền dịch và theo dõi vài ngày. Nếu dưới màng não vẫn không hết mủ thì phải phẫu thuật lần 3. Vợ chồng tôi không nghĩ con lại mắc bệnh này vì thấy con chỉ sốt thông thường thôi và trước đó con ở nhà vẫn chơi bình thường”, anh Hiếu nói.

Bác sĩ Qui cho biết biểu hiện điển hình của bệnh viêm màng não ở trẻ là co giật, bên cạnh đó kèm theo sốt cao liên tục, bứt rứt, quấy khóc, hoặc thóp phòng ở trẻ nhũ nhi. Bé lớn thì đau đầu và nôn ói nhiều, đặc biệt là nôn vọt.

Về nguyên nhân khiến bệnh này gia tăng, các bác sĩ cho hay đến nay vẫn chưa có kết luận, nhưng có thể từ các tác nhân thời tiết, vi trùng hoặc do cách phụ huynh chăm sóc trẻ chưa đúng, hoặc là kết quả của các đợt tiêm vắc xin trước đó…

Để phòng bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và lưu ý lịch tiêm nhắc. Hiện một số loại vắc xin có thể phòng ngừa được viêm màng não như vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin phế cầu, vắc xin não mô cầu… Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh

Bên cạnh tiêm chủng, phụ huynh cũng cần tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi…

theo Tuổi trẻ

Tin cùng chuyên mục