Ngày 13/12/2022, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.”
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, ĐBSCL được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước.
Thời gian qua để tạo lập môi trường và tạo đà cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
”Ngày 5/12/2022 mới đây, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các TCTD, trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn”, ông Tú nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực: Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021.
Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, cụ thể: (i) Dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó: dư nợ cho vay cá tra và tôm đạt 62.953 tỷ đồng, chiếm 56% dư nợ cho thủy sản của vùng). (ii) Dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.
Theo bà Hà Thu Giang, kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng bám sát diễn biến của thị trường, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả,… để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL.
Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, phân bổ tín dụng hợp lý cho khu vực trọng điểm như ĐBSCL. Các ngân hàng đã tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên phải trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng như cam kết.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh nắm sát hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo, rau quả,… theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng.
Thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, thiết lập đường dây nóng để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh, thành phố để được xem xét xử lý.
Thống đốc cũng đề cao vai trò quan trọng từ phía UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp quan tâm, chia sẻ đồng hành phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng… giúp người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.
theo Nhịp sống thị trường