Bí mật đằng sau công nghệ gây mưa nhân tạo của Arab Saudi: Bước đột phá về thời tiết!

10/08/2022 / / 74 lượt xem

Công nghệ gây mưa nhân tạo mà Arab Saudi đang áp dụng có gì đặc biệt?

Phần lớn địa hình ở Arab Saudi là sa mạc và hoang mạc không có người ở. Trong đó có Rub ‘Al Khali, sa mạc chứa lượng lớn cát trên thế giới và sa mạc An-Nafud, nơi có các cồn cát cao hơn 30 m. Với những đặc điểm địa hình như trên nên quốc gia Tây Á này thường có thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè là khoảng 45 độ C, tuy nhiên cũng có thể lên trên 50 độ C.

Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trên thế giới, đang chuyển sang kỹ thuật gieo mây gây mưa nhân tạo để làm tăng lượng mưa.

Theo đó, từ tháng 4/2022, Arab Saudi đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của việc áp dụng làm mưa nhân tạo tại các khu vực ở thủ đô Riyadh và al-Qasim và Hail.

Việc áp dụng kỹ thuật gây mưa nhân tạo được thực hiện như một phần nỗ lực để làm tăng lượng mưa hàng năm của Arab Saudi, ở mức không vượt quá 100 mm một năm, tăng lên 10 – 20%.

Công nghệ mà Arab Saudi sử dụng là gieo mây để gây mưa nhân tạo. Công nghệ này có thể giúp thay đổi thời tiết tại những khu vực nhất định, đồng thời làm tăng lượng mưa và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai như hạn hán, giảm ô nhiễm không khí, mưa đá, phục vụ các sự kiện quan trọng…

Kể từ sau khi xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào năm 1946, gây mưa nhân tạo là công nghệ đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến nay, có hơn 50 quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng công nghệ này.

Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu?

Theo đó, gieo mây là kỹ thuật liên quan đến việc đưa hóa chất vào các đám mây, chẳng hạn như dùng hạt bạc I-ốt nhỏ để làm tăng lượng mưa từ đám mây. Điều này làm cho những giọt nước tập trung xung quanh hạt bạc I-ốt. Sau đó, các giọt nước va vào nhau thành những giọt lớn hơn và tăng khả năng xảy ra mưa.

Arab Saudi là một trong những quốc gia khô hạn nhất trên thế giới. Do đó, dự án làm mưa nhân tạo của quốc gia này nhằm hướng tới giảm tình trạng sa mạc hóa thông qua việc tăng lượng mưa. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của Arab Saudi xanh, sáng kiến để tăng thảm thực vật của đất nước và cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Ayman Ghulam, giám đốc của Trung tâm Khí tượng quốc gia, đồng thời là người quản lý chương trình gieo mây, trung tâm đã đáp ứng được mục tiêu về kết quả và khung thời gian của các hoạt động gieo mây.

Chương trình gieo mây để gây mưa nhân tạo sẽ được tiến hành theo dõi sự hình thành các đám mây trên cả nước nhằm tìm ra các địa điểm tối ưu để thực hiện công nghệ này. Các chuyên gia sẽ sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường để gia tăng lượng mưa ở những khu vực trong mục tiêu.

Ông Ayman Ghulam cho biết thêm, sáng kiến gieo mây là một trong những giải pháp đầy hứa hẹn để duy trì sự cân bằng nước một cách an toàn, đồng thời dễ điều chỉnh và giúp tiết kiệm chi phí.

Nhiều quốc gia trên thế giới cùng đang sử dụng công nghệ tương tự để gây mưa nhân tạo. Chẳng hạn, Trung Quốc đã chi tới hàng triệu USD để làm thay đổi thời tiết trước các sự kiện lớn như Olympic Bắc Kinh 2008. Dự kiến Trung Quốc sẽ có một hệ thống biến đổi thời tiết để gây mưa nhân tạo với diện tích lên tới hơn 5,5 triệu km2, và khả năng ngăn chặn mưa đá với trên 580.000 km2.

Vào tháng 7/ 2021, một nhóm các nhà khoa học tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã sử dụng máy bay không người lái để phóng điện vào đám mây. Thiết bị này được hợp tác phát triển bởi UAE và những nhà nghiên cứu từ ĐH Reading của Anh.

Cụ thể, những chiếc máy bay không người lái này được phóng lên không trung để thu thập dữ liệu thời tiết và tác động vào các đám mây dưới dạng điện tích. Sau đó, điện tích sẽ giúp những giọt nước và các hạt khác kết tụ với nhau để tạo thành các đám mây mới và lớn hơn, từ đó giúp tăng cơ hội tạo ra mưa. Khi rơi khỏi đám mây, những giọt nước càng lớn thì càng có nhiều khả năng chạm tới mặt đất.

Cách làm này để gây mưa nhân tạo, giúp UAE giải nhiệt trong tình trạng nắng nóng kéo dài tại quốc gia chỉ nhận được khoảng 10 cm lượng mưa mỗi năm.

Mưa nhân tạo được hình thành thế nào?

Mưa nhân tạo đã được nhắc đến từ lâu. Ngay từ năm 1946, thí nghiệm làm mưa nhân tạo đầu tiên đã được tiến hành ở New York, Mỹ với hy vọng có thể giải quyết được tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Chính vì vậy, kỹ thuật “gieo hạt” đám mây ra đời kể từ đó. Để tạo mưa nhân tạo cần phải phun các hạt mịn (dạng bột hoặc sol khí) vào các đám mây với độ cao từ 2.000 m đến 4.000 m. Thực tế có hai cách để gieo hạt vào đám mây.

Thứ nhất, dùng một chiếc máy bay hạng nhẹ bắn pháo sáng có chứa đầy tinh thể natri clorua hoặc bạc I-ốt vào những đám mây. Các hạt này đóng vai trò giống như những hạt nhân làm cho hơi nước có trong đám mây ngưng tụ thành các giọt nước. Sau 15 – 30 phút, trời sẽ đổ mưa.

Thứ hai, kỹ thuật này có chi phí thấp hơn. Đó là phóng tên lửa nhỏ từ mặt đất có chứa đầy hạt mịn lên những đám mây. Thiết bị này dùng để tác động vào khối ngưng tụ này và tạo ra những hạt mưa.

Bí mật đằng sau công nghệ gây mưa nhân tạo của Arab Saudi: Bước đột phá về thời tiết! - Ảnh 4.

Công nghệ tạo mưa nhân tạo vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Ảnh: AFP

Dù có thể mang lại không ít hiệu quả nhưng việc tạo mưa nhân tạo bằng kỹ thuật gieo hạt đám mây vẫn còn là gây tranh cãi.

Khủng hoảng khí hậu đang đẩy các mô hình thời tiết lên mức cực đoan hơn, và điều này đe doạ tới một số khu vực bị thiếu nước trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng khan hiếm nước gây ảnh hưởng tới 40% dân số thế giới và khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di dời do hạn hán vào năm 2030.

Do đó, sử dụng công nghệ làm mưa nhân tạo được coi là một trong những giải pháp giúp các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ hạn hán cao có thể phần nào giải quyết được tình trạng này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc khuyến khích tạo ra lượng mưa nhiều hơn ở một khu vực nhất định cũng sẽ không đủ để chấm dứt trận hạn hán lớn hoặc tác động đến cuộc khủng hoảng khí hậu tiềm ẩn đang góp phần gây ra tình trạng thiếu nước và thay đổi thời tiết ở rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Theo nhà nghiên cứu Katja Friedrich tại ĐH Colorado (Mỹ): “Tôi không nghĩ rằng mưa nhân tạo sẽ giải quyết được vấn đề nhưng nó có thể giúp ích. Tuy nhiên, gieo mưa nhân tạo cần là một phần của kế hoạch lớn hơn có liên quan đến việc giữ gìn nước một cách hiệu quả, thay vì chỉ tập trung vào một thứ”.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, việc thực hiện công nghệ gieo mây cũng có thể gặp khó khăn do trong điều kiện thời tiết thay đổi. Trên thực tế, khoa học xung quanh việc làm mưa nhân tạo vẫn đang được phát triển và với nhiều kết quả khác nhau về tác động thực sự của nó.

Một số chuyên gia cũng quan ngại rằng cần phải nghiên cứu thêm về những hoá chất được sử dụng để kích thích gây mưa, nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh.

Bài viết tham khảo nguồn: Independent, AFP, Interestingengineering, Worldatlas

Tin cùng chuyên mục