Theo bài viết ngày 12/12 trên trang brusselstimes.com của Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) đã và đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số không chỉ trong liên minh mà còn ở các quốc gia, khu vực đang phát triển ở Đông Nam Á và châu Phi.
Hợp tác giữa EU và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được kỳ vọng sẽ phần nào khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng quốc tế, khởi động lại tiến trình toàn cầu hóa đang suy giảm. Các đối tác khu vực của EU như Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn vì lợi ích của các khu vực và người dân.
Theo bài viết, trong quan hệ với ASEAN, EU thể hiện vai trò là đối tác phát triển tin cậy, cùng hướng tới mục tiêu đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai khu vực và toàn cầu. Trong quá trình này, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực mới nổi. Trong khi nhiều nước đang gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phục hồi tích cực. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được hãng Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm. Với môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, Việt Nam ngày càng có được niềm tin mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư nước ngoài và trên thị trường tài chính quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Việt Nam đặc biệt chủ trương nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn FDI vào Việt Nam, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến. Bước phát triển này mở ra những cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về ý chí chính trị và lợi ích chiến lược, Việt Nam và các nước thành viên EU có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Những thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam. An ninh năng lượng trở thành vấn đề toàn cầu, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh việc sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam phấn đấu trở thành thành viên tích cực của khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khởi xướng bằng cách tiếp tục cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, loại bỏ than đá vào năm 2040, chấm dứt nạn phá rừng và giảm phát thải khí methane vào năm 2030. Hơn nữa, tháng 10/2022, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Việc này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Về quan hệ giữa Việt Nam và EU, mối quan hệ này được đánh giá là đang ở thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử. Từ một nước nhận viện trợ, Việt Nam hiện trở thành đối tác bình đẳng, cùng có lợi. Hiện Việt Nam và EU có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều khuôn khổ hợp tác như Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trị giá 27,6 tỷ USD (tính đến tháng 8/2022).
theo Báo tin tức