Bắc Kinh dùng chuyến thăm của bà Pelosi để tạo ‘bình thường mới’ ở Đài Loan (Trung Quốc)

10/08/2022 / / 86 lượt xem

Từ Biển Đông lên núi Himalaya, Bắc Kinh luôn cho thấy họ sẵn sàng tranh thủ bước đi sai lầm của đối thủ để thắt chặt kiểm soát khu vực tranh chấp.

Giới phân tích cho rằng cách làm này đang được áp dụng với đảo Đài Loan (Trung Quốc). Trong những ngày gần đây, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tìm cách tạo ra một nguyên trạng mới ở Đài Loan của nước này với hàng loạt cuộc tập trận sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi .

Những hành động, như thường xuyên vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển và bắn tên lửa qua Đài Bắc, đã thu hẹp vùng đệm được mặc định mấy chục năm nay để duy trì hòa bình.

Dù hầu hết hoạt động tập trận sát Đài Loan (Trung Quốc) kết thúc vào ngày 8/8, Bắc Kinh đã tạo ra một khuôn mẫu mới cho lực lượng của họ hoạt động sát hòn đảo tự trị hơn.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đã phát hiện các tàu và máy bay chiến đấu của đại lục áp sát hòn đảo trong ngày 8/8, sau khi hơn 120 máy bay vượt qua đường trung tuyến trong mấy ngày trước đó.

“Chúng ta sẽ thấy những yếu tố mới xuất hiện trong các hoạt động Trung Quốc mấy tuần qua sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Đó là điều bình thường mới, là nguyên trạng mới, về khía cạnh hiện diện quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan (Trung Quốc)”, GS Taylor Fravel, giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, nói với Bloomberg.

Chiến lược này gây sức ép lớn hơn để Mỹ phải có phản ứng phù hợp để buộc Trung Quốc lùi về mà không khiến căng thẳng leo thang hơn nữa, giống như khi chính quyền Bill Clinton đưa 2 nhóm tàu sân bay đến eo biển trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần trước.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với Trung Quốc sở hữu hải quân đông nhất thế giới và hàng loạt tên lửa diệt hạm, gây rủi ro cho những tàu Mỹ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc.

Thông điệp của Bắc Kinh là Washington phải dừng tăng cường quan hệ với Đài Bắc và khôi phục hiểu biết ngoại giao để ngăn bất kỳ chuyến thăm nào tương tự như của bà Pelosi vừa qua.

Nếu không, Trung Quốc có thể hạn chế quyền tự do hoạt động của Đài Loan (Trung Quốc) ở các vùng biển xung quanh, giống như cách ngăn cản chính quyền hòn đảo cố tham gia các tổ chức toàn cầu từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử năm 2016.

“Trung Quốc chắc chắn phản ứng mạnh hơn và các cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ bắt đầu từ giới hạn mới”, PGS Christopher Twomey, công tác tại Trường Hải quân sau đại học (Mỹ), nhận định.

Mỹ cần đối sách

Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường tận dụng những lúc đối thủ lưỡng lự để siết chặt kiểm soát lãnh thổ tranh chấp.

Năm 2012, sau khi Washington từ chối can thiệp để giúp Philippines trong vụ bãi cạn Scarborough, Trung Quốc giữ luôn lực lượng của họ ở đó để nắm quyền kiểm soát thực tế và bắt đầu xây dựng một mạng lưới cơ sở quân sự trên các cấu trúc mà họ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Gần đây, vào năm 2020, Trung Quốc giành quyền kiểm soát một khu vực tranh chấp với Ấn Độ trên núi Himalaya.

Chiến dịch tập trận mà Trung Quốc triển khai tuần trước có quy mô lớn hơn và gần Đài Loan của nước này hơn tất cả các cuộc tập trận ở đây kể từ giữa những năm 1990.

Trước khi bà Pelosi đến Đài Bắc, quân đội Trung Quốc triển khai các hoạt động cho thấy máy bay của họ sẵn sàng “hộ tống” chuyến bay của Chủ tịch Hạ viện Mỹ nếu máy bay đi theo lộ trình thông thường để vào Đài Bắc, Bonny Lin và các nhà phân tích khác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington viết trong báo cáo cập nhật ngày 8/8.

Sáu vùng tập trận quanh Đài Loan (Trung Quốc) vừa qua dường như đã được Bắc Kinh lựa chọn cẩn thận để kiểm tra khả năng triển khai nếu thực hiện kịch bản phong tỏa hoặc tấn công hòn đảo, báo cáo viết.

Với những khu vực xa đại lục hơn về phía đông, quân đội Trung Quốc có thể “triển khai các cuộc tấn công vào bờ biển và căn cứ phía đông của Đài Loan (Trung Quốc) để chặn Mỹ và các nước khác đưa lực lượng vào hỗ trợ theo hướng này”, báo cáo nhận định.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các vùng tập trận ở phía bắc và tây nam mô phỏng khả năng phong tỏa các cảng chiến lược của hòn đảo trong tương lai.

Các cuộc phóng thử tên lửa thể hiện “năng lực tấn công chính xác và từ chối tiếp cận”, phát ngôn viên Chiến khu Đông bộ Shi Yi của quân đội Trung Quốc nói trong một thông cáo.

Trung Quốc “răn đe các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan và phá vỡ hoàn toàn cái gọi là đường trung tuyến giữa eo biển. Đợt tập trận vừa qua tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu thống nhất quốc gia vào thời gian sớm hơn”, Meng Xiangqing, giáo sư công tác tại ĐH Quốc phòng ở Bắc Kinh, đánh giá.

Chưa rõ chính quyền Biden sẽ phản ứng ra sao. Tuần trước, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ sẽ duy trì tàu sân bay USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến ở khu vực “để giám sát tình hình”.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các chuyến đi lại trên biển và trên không qua eo biển Đài Loan phù hợp với các tiêu chuẩn trong vài tuần tới”, ông Kirby nói.

Ngày 8/8, ông Biden bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không leo thang hơn nữa với Đài Loan (Trung Quốc) sau đợt tập trận vừa qua.


  • Trung Quốc công bố Sách Trắng về Đài Loan, “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực”

“Tôi không lo lắng, nhưng tôi lo ngại rằng họ đang tiến lên nhiều nhất có thể. Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ làm nhiều hơn nữa”, ông Biden nói.

Đợt tập trận của Trung Quốc vừa qua cho thấy bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đài Loan của nước này đều sẽ leo thang nhanh chóng và gây rối loạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ đảo lộn giao thông đường biển và đường không, đợt tập trận còn bao trùm vùng biển mà Nhật Bản và Philippines tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

“Nếu Mỹ không rút ra bài học và làm nhiều hơn nữa để thách thức Trung Quốc, tôi nghĩ sẽ có thêm những chiến dịch như thế này. Họ (Trung Quốc) sẽ tìm cách thiết lập một nguyên trạng mới ở eo biển Đài Loan”, bà Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marchall Đức tại Mỹ, nhận định.

theo Báo Tiền phong

Tin cùng chuyên mục