Nghiện điện thoại di động giống như một hố đen không đáy, nó ăn mòn thời gian của chúng ta một cách vô hình.
Thậm chí, thứ còn đáng sợ hơn chính là: Nghiện điện thoại di động còn có thể bào mòn não bộ của trẻ, giảm thiểu tư duy và phá hỏng thói quen của trẻ…
Nghiện điện thoại di động: Khiến não trẻ bị suy thoái
Bác sĩ nhi khoa, Dimitri Alexander Christakis phát hiện ra rằng, bộ não bị nghiện có cấu trúc khác biệt so với bộ não khỏe mạnh. Bộ não khỏe mạnh sẽ có hình dạng đầy đặn và đường nét rõ ràng, còn bộ não bị nghiện thường teo tóp như quả óc chó khô.
Tác giả Elizabeth Kilby cũng đã viết trong cuốn sách “giáo dục màn hình hạn chế” rằng: “Từ sơ sinh cho đến 5 tuổi, các tế bào thần kinh trong não của trẻ sẽ xây dựng vô số kết nối và đường dẫn thần kinh nhanh gấp đôi so với những đứa trẻ sau 5 tuổi.
Cuộc sống thực tế có quá nhiều thông tin đa dạng, phong phú, như: Dùng mắt nhìn màu sắc của quả táo, dùng tay sờ và cảm thụ, ngửi táo bằng mũi và nếm táo bằng miệng.
Sự xuất hiện của điện thoại di động đã đơn giản hóa cách trẻ em trải nghiệm thế giới. Chúng có thể hái một quả táo chỉ bằng một cú chạm hoặc vuốt. Khi trẻ đã quen với loại thông tin được tóm tắt và đơn giản hóa như thế, chúng sẽ dần mất đi hứng thú với thế giới ba chiều ở hiện thực, lâu dần chúng sẽ không còn nhạy cảm với những thông tin phong phú bên ngoài nữa.
Não không nhận được đủ sự kích thích của các giác quan, từ đó những thay đổi tiêu cực về cấu trúc và chức năng cũng sẽ xảy ra.
Kết quả là khả năng nhận thức, trí tưởng tượng, khả năng tư duy,… của trẻ bị nghiện điện thoại sẽ thua kém hơn một trẻ bình thường một cách đáng kể.
Nghiện điện thoại di động: Khiến trẻ không thích tư duy
Tính năng lớn nhất của các sản phẩm điện tử là phản hồi nhanh chóng, bấm vào điện thoại một cái, thì nội dung, hình ảnh, thông tin và âm thanh sẽ tự động được đưa vào não.
Một khi đứa trẻ được phục vụ “tận miệng” như thế, chúng sẽ quen với những tương tác đơn giản và dễ hiểu, dần dà, chúng sẽ không có năng lượng để suy nghĩ hay tư duy độc lập nữa.
Trong cuốn “giáo dục màn hình hạn chế”, Elizabeth Kilby còn nói một điều đáng sợ hơn nữa, chính là: “Sau 5 tuổi, dây thần kinh sẽ phát triển theo cơ chế cắt tỉa, nguyên tắc là giữ những gì hữu ích và cắt tỉa những gì không còn hữu dụng. Khi trẻ lớn lên và cần giải quyết các vấn đề phức tạp, chúng ta sẽ thấy những đứa trẻ nghiện điện thoại di động, não bộ sẽ phản ứng chậm và thiếu nhanh nhạy hơn, vì những dây thần kinh ít được sử dụng đã bị não cắt tỉa rồi”.
Nghiện điện thoại di động: Khiến trẻ dễ nổi nóng
Nhà văn Adam Alter đã kể trong cuốn “Irresistible” một trường hợp như thế này: Một em bé năm tháng tuổi đang xem tạp chí điện tử, chỉ với một cái vuốt nhẹ, tạp chí đã lật qua các trang. Đứa bé đó nhảy múa với niềm vui.
Sau đó, bố mẹ đứa bé mang ra một cuốn tạp chí thật để bé lật giở. Kết quả là đứa bé không thể lật cuốn tạp chí dù nó có cố gắng thế nào đi nữa. Đứa bé tức giận ném cuốn tạp chí sang một bên.
Trường hợp này cho thấy, tiếp xúc sớm với điện thoại di động sẽ khiến trẻ có nhận thức sai lầm rằng, mọi thứ đều có sẵn chỉ bằng một nút bấm. Nhận thức như vậy sẽ khiến trẻ khó chấp nhận những điều chậm chạp trong cuộc sống thực, về lâu dài chúng sẽ trở nên thiếu kiên nhẫn và nóng nảy.
Nghiện điện thoại di động: Khiến trẻ khó có được bạn bè trong đời thực
Việc nghiện điện thoại di động quá mức có thể sẽ khiến trẻ mất đi ham muốn khám phá thế giới thực. Điện thoại di động cung cấp cho trẻ em một phương thức giao tiếp thuận tiện và nhanh chóng. Nó cũng khiến trẻ mất nhiều cơ hội giao tiếp mặt đối mặt hơn.
Có rất nhiều trẻ, ở trên mạng thì có một nhóm bạn đông đảo, nhưng khi trở lại thế giới thực tại thì luôn im lặng và thiếu hòa đồng. Một nghiên cứu đã chỉ ra mấu chốt của vấn đề, chính là thời gian sử dụng điện thoại di động quá nhiều, gây cản trở sự phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp xã hội, cảm xúc và có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát, đồng cảm, hiểu bản thân và các mối quan hệ của trẻ.
Cũng có trẻ em vì lệ thuộc vào điện thoại di động, thậm chí còn không để ý đến những người và vật xung quanh chúng.
Theo Washingtonpost
theo GD&TĐ