Chiếc xe máy điện mới nhất của VinFast – VinFast Vento có gì ấn tượng không?

VinFast Vento – mẫu xe máy điện mới nhất của hãng xe Việt. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
“CƠN GIÓ ÂM THẦM”
Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiêu thụ nhiều xe máy nhất thế giới. Vì thế, trong lĩnh vực xe máy, tuy không có những quảng bá rầm rộ quy mô toàn cầu như ở mảng ô tô, VinFast vẫn luôn “âm thầm” ra mắt nhiều mẫu xe máy điện dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà từ “phát súng” đầu tiên nổ năm 2018 với mẫu xe máy điện VinFast Klara – thành quả của hợp tác giữa VinFast và nhà thiết kế Torino Design nổi tiếng từ Ý, đến nay VinFast vẫn đều đặn tung ra thị trường các mẫu xe máy điện khác nhau. Chẳng mấy chốc, xe máy điện VinFast đã đủ bao phủ khắp các phân khúc, từ phổ thông, trung cấp tới cao cấp.
Mẫu xe mới nhất được tung ra thị trường là VinFast Vento – một lựa chọn khác trong khoảng giá hơn 50 triệu đồng.


Toàn bộ đèn trên VinFast Vento đều là đèn LED. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
Tiếp nối truyền thống từ Klara, VinFast Vento thể hiện chất Ý, đầu tiên, ở ngay tên gọi. Trong tiếng Ý, “vento” có nghĩa là “cơn gió”. Với cách đặt tên này, phải chăng VinFast đang muốn người dùng nhìn nhận chiếc xe với những tính cách như chất Ý, nhẹ nhàng, mềm mại?
Nếu tinh ý, ta có thể thấy VinFast đang cố gắng đưa những chất liệu truyền thông gợi vẻ trẻ trung, năng động lên VinFast Vento, khi các poster luôn gắn cùng hình ảnh người trẻ và màu sắc phi truyền thống.

VinFast Vento có thể di chuyển tới 110km mỗi lần sạc. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
Từ những chất liệu truyền thông đó và nhìn lại về thiết kế, hãy để ý tới những phần uốn mềm mại, thanh lịch và bộ sưu tập 6 màu sắc hiện đại. Đó là những đặc điểm dễ thấy nhất về tính năng động mà VinFast muốn đưa lên chiếc xe.
Bên cạnh đó, Bùi Đức Công (tác giả của bản thiết kế VinFast Vento, theo thông tin trên cơ sở dữ liệu của cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam) cũng đưa thêm những đường gân, nét gập dứt khoát, dường như muốn tăng thêm nét cá tính, phóng khoáng cho chiếc xe.
Nếu như cabin chiếc ô tô điện được thiết kế với phần đầu to và đuôi nhỏ mô phỏng hình giọt nước để tăng tính khí động học thì đặc điểm này cũng xuất hiện trên VinFast Vento.
Cụ thể, nếu nhìn từ phía sau, thiết kế vuốt mạnh về phía sau là một điểm nhấn đáng chú ý của VinFast Vento; nếu đặt góc nhìn từ trên xuống thì có thể gợi tưởng tới hình giọt nước. Thiết kế kiểu này của VinFast Vento còn tôn lên thiết kế cụm đèn hậu kích thước lớn, có lẽ sẽ rất nổi bật khi đi đường buổi tối.
MỘT ĐỘNG CƠ, NHIỀU BẤT NGỜ


Qua trải nghiệm thực tế, VinFast Vento không gặp mấy khó khăn để đạt tốc độ tối đa giới hạn điện tử 80km/h. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
Điểm nhấn khác biệt trên VinFast Vento so với những mẫu xe khác của hãng xe Việt nằm tại cách bố trí khối động cơ điện có công suất tối đa 4000W. VinFast cho biết rằng VinFast Vento là mẫu xe máy điện đầu tiên của hãng bố trí động cơ đặt bên – Side Motor, mang tới lợi ích về lực kéo.
Ngoài ra, VinFast Vento cũng ứng dụng công nghệ động cơ IPM (Interior Permanant Magnet – Động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu cực chìm). Giải thích một cách đơn giản, động cơ điện IPM sẽ có các thanh nam châm ẩn trong Rotor, về mặt lý thuyết thì cách làm này giúp động cơ điện bền bỉ hơn.
Thông tin VinFast đưa ra cũng cho biết rằng động cơ IPM trên VinFast Vento sản sinh mô-men xoắn tốt hơn, tiết kiệm khoảng 30% năng lượng so với động cơ thông thường.

Động cơ của VinFast Vento có chức năng Phanh tái sinh, giúp chuyển động năng dư thừa khi bóp phanh thành điện năng để sạc cho pin. Video: Quang Đức – KingPro
Một điểm khá bất ngờ cũng nằm tại khối động cơ của VinFast Vento chính là chức năng Phanh tái sinh. Gọi là Phanh tái sinh nhưng thực chất đó lại là một cách làm việc của động cơ điện. Với riêng VinFast Vento, khi người dùng bóp phanh thì động cơ điện sẽ chuyển thành máy phát điện, tận dụng động năng của bánh xe khi quay để phát ra điện năng; năng lượng này sẽ lại nạp vào bộ pin của chiếc xe.
Ngược thời gian về cuối năm 2018 khi VinFast Klara được ra mắt, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu chiếc xe có an toàn khi đi qua đoạn đường ngập nước hay không. Tới nay, khi VinFast và nhiều mẫu xe máy điện khác đã xuất hiện nhiều hơn thì câu hỏi này cũng theo đó mà dần biến mất.
Tuy vậy, vẫn cần nhắc rằng VinFast Vento cũng đạt tiêu chuẩn chống bụi và chống nước IP67 – có thể kháng bụi 100%, kháng nước ở độ sâu 0,5 mét trong thời gian 30 phút.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS do Continental cung cấp. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
Một điểm đáng chú ý khác trên VinFast Vento nằm tại cụm phanh trước của chiếc xe, đó chính là Hệ thống Chống bó cứng phanh ABS. Xét về nguyên lý làm việc, cảm biến tại cụm phanh sẽ gửi tín hiệu về máy tính để xác định xem liệu bánh xe có đang bị phanh hãm đứng im hay không; nếu có tình trạng bánh xe đứng im do phanh hãm lại (còn gọi là Bó cứng phanh) thì hệ thống ABS sẽ can thiệp, nhả bớt lực phanh để bánh xe tiếp tục lăn, từ đó gia tăng khả năng kiểm soát chiếc xe.
CHIẾC XE “KHÔNG CÓ LỖ”


Sau khi kết nối, chiếc xe có thể hiển thị thông báo tin nhắn và cuộc gọi nhỡ trên màn hình hiển thị. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
Trong khi phần nhiều những chiếc xe máy tại Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống khóa chìa cơ học, số khác thì sử dụng hệ thống khóa thông minh với núm khóa và Smart Key thì VinFast Vento ứng dụng một công nghệ tương đối mới: Phone As A Key – sử dụng chính điện thoại làm chìa khóa. Đây cũng chính là một đặc điểm rất khác biệt so nhiều mẫu xe hiện có trên thị trường.
Thông thường, với công nghệ PAAK thì chiếc “chìa khóa điện thoại” của chủ sở hữu sẽ kết nối với chiếc xe qua kết nối không dây, thường là Bluetooth hoặc Bluetooth Low Energy (BLE). So với Bluetooth, BLE có bán kính phủ sóng lớn hơn khoảng 6 lần và tiêu thụ rất ít năng lượng.
Trên thực tế, ngay từ VinFast Theon, hãng xe Việt đã ứng dụng công nghệ PAAK, từ đó mạnh dạn loại bỏ hoàn toàn cụm khóa truyền thống trên chiếc xe, giúp chiếc xe có phần tinh gọn hơn. Tuy nhiên, vì phá bỏ truyền thống, người dùng có lẽ sẽ mất một chút thời gian để làm quen với cách thức này.

Có thể mở cốp từ xa bằng cách nhấn Nút tìm xe 2 lần. Ảnh: Việt Hùng – KingPro
Ngoài ra, VinFast Vento vẫn đi kèm với chiếc chìa khóa thông minh Smart Key. Với chiếc chìa khóa này, người dùng có thể sử dụng để tìm xe, kích hoạt chế độ chống trộm, và, có lẽ thú vị nhất, mở cốp từ xa.
Thật vậy, với 2 lần nhấn liên tiếp vào Nút tìm xe, VinFast Vento sẽ tự động mở khóa cốp. Nhờ PAAK và Smart Key, người sử dụng VinFast Vento chỉ cần giữ chìa khóa trên người, ngồi lên xe và khởi động xe, bỏ qua thao tác mở khóa như trên các mẫu xe truyền thống.
Thêm vào PAAK và chiếc chìa khóa Smart Key, khi cài đặt ứng dụng của VinFast, người dùng có thể kích hoạt chức năng chẩn đoán lỗi, khóa xe, tìm xe, khởi động và mở cốp… Thậm chí, màn hình hiển thị của VinFast Vento còn có thể thông báo tin nhắn và cuộc gọi nhỡ từ điện thoại của chủ nhân.
* Chi tiết thông số cơ bản của VinFast Vento tại đây.
Lái thử ‘cơn gió’ mới toanh của VinFast, đi lên cầu Long Biên thấy bất ngờ