Nguồn cung cấp nước từ sông Helmand chảy từ Afghanistan sang Iran đang bị thu hẹp từng ngày, đẩy 2 quốc gia vào tình thế đối đầu
Bạo lực đã bùng lên dọc biên giới Afghanistan và Iran trong những tuần gần đây bắt nguồn từ tranh chấp về nguồn nước sông Helmand.
Theo đài CNBC ngày 19-6, Tehran cho rằng chính quyền Taliban của Afghanistan đang cố tình tước đoạt nguồn nước của Iran để củng cố nguồn nước của chính họ thông qua hoạt động của đập thủy điện Kajaki ở tỉnh Helmand. Đáp lại, Taliban nói rằng hồ chứa hiện không đủ nước do lượng mưa và mực nước sông giảm mạnh.
Căng thẳng về nước giữa Iran và Afghanistan đã bắt đầu từ những năm 1950, khi 2 đập thủy điện lớn, trong đó có đập Kajaki, được xây dựng, làm hạn chế dòng nước từ sông Helmand chảy vào Iran.
Sự việc cuối cùng được giải quyết tạm thời bằng việc ký kết một hiệp ước vào năm 1973, theo đó Afghanistan phải phân bổ cho Iran 850 triệu mét khối nước sông Helmand hằng năm.
Lực lượng biên phòng Iran và Afghanistan đã đấu súng hôm 27-5, khiến 2 binh sĩ Iran và 1 binh sĩ Taliban thiệt mạng, nhiều người khác bị thương.
Hai bên đều đổ lỗi cho đối phương đã khơi mào cuộc đụng độ đang khiến vấn đề nước thu hút sự quan tâm trở lại ở khu vực này.
Chuyên gia Torbjorn Soltvedt của Công ty Tư vấn Verisk Maplecroft (Anh) nhận định Iran không thể xem nhẹ cuộc tranh chấp nguồn nước với Afghanistan bởi căng thẳng về nước là nguyên nhân gây bất ổn ở nước này trong những năm gần đây.
Theo tờ Jerusalem Post, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hồi tháng 5 đã cảnh báo giới lãnh đạo Taliban rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không cung cấp cho tỉnh Sistan-Baluchenstan – Iran phần nước công bằng từ sông Helmand.

Đập thủy điện Kajaki trên sông Helmand ở Afghanistan Ảnh: KHAAMA PRESS
Trong cuộc gặp với người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan vào tuần rồi, quyền Thủ tướng Afghanistan Mawlawi Abdul Kabir cho biết họ đang đàm phán với Iran về chuyện nguồn nước và nhấn mạnh Afghanistan không đòi hỏi những gì vượt quá quyền lợi hợp pháp của mình. Ông Mawlawi Abdul Kabir cho biết nếu Iran có lo ngại về vấn đề này, Taliban có thể giải quyết thông qua đối thoại và hiểu biết.
Trong khi đó, Đại sứ Iran tại Afghanistan, ông Hassan Kazemi Qomi, gần đây cho biết Taliban đã đồng ý để các chuyên gia Iran đến thăm đập Kajaki, đồng thời bày tỏ kỳ vọng đôi bên tìm cách giải quyết các vấn đề về nước và hợp tác vì một tương lai bền vững.
“Nếu có nước trong các con đập, phía Taliban phải cung cấp phần của Iran, còn nếu không có thì vấn đề này phải được làm rõ” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran Ahmad Vahidi nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm một ủy ban chung sẽ được thành lập để giải quyết vấn đề.
Khủng hoảng nước không chỉ khiến quan hệ Afghanistan – Iran căng thẳng mà còn phủ bóng lên thế giới. Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về nước của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cảnh báo khủng hoảng nước đang là một trong những thách thức cấp bách nhất mà thế giới phải đối mặt ngày nay.
Hạn hán ngày càng kéo dài, sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt tàn phá, thời tiết cực đoan và các hiện tượng hỗn hợp đang gây áp lực rất lớn đối với tài nguyên nước. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chỉ rõ biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước cũng như làm ô nhiễm các nguồn cấp nước.
theo NLĐ